NGÔI ĐỀN TRĂM TUỔI LINH THIÊNG TRONG TRÁI TIM NGƯỜI NHẬT
Nhật Bản được biết đến là một trong những quốc gia có nhiều đền thờ nhất trên thế giới. Mỗi ngôi đền thường sẽ thờ một vị thần khác nhau với những giá trị tâm linh và tinh thần riêng. Một trong những ngôi đền đặc biệt nhất Nhật Bản có thể kể đến chính là Đền Meiji Jingu – nơi thờ Thiên hoàng Minh Trị cùng vợ của ông là Hoàng hậu Shoken. Đây là nơi vô cùng linh thiêng và được coi là “điểm chạm đến trái tim” của những người dân xứ sở hoa anh đào.
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH:
- Thiên Hoàng Minh Trị và vợ của ông là Hoàng Hậu Shoken là những người đã có sáng kiến xây dựng nền tảng của Nhật Bản hiện đại hóa. Sau khi họ qua đời, người dân mong muốn tưởng nhớ công đức của họ và tôn kính họ mãi mãi nên đã quyết định xây dựng nên đền thờ Meiji Jingu vào năm 1920.
- Khu rừng của đền Meiji Jingu là một khu rừng nhân tạo được tạo ra với mục đích trở thành “khu rừng vĩnh cửu”. Hơn 100.000 cây xanh với khoảng 234 loài cây khác nhau đã được các tình nguyện viên quyên góp và trồng xuống trong quá trình xây dựng ngôi đền.
- Trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 năm 1945, rất nhiều khu vực của đền thờ đã bị thiêu rụi trong các cuộc không kích. May mắn thay, khu rừng vẫn sống sót. Tấm lòng chân thành của người dân đã một lần nữa giúp hồi sinh ngôi đền này gần như trở lại dáng vẻ hùng vĩ ban đầu vào năm 1958.
- Năm 2020 là năm đánh dấu cột mốc kỉ niệm 100 năm thành lập đền thờ Meiji Jingu.
Cổng Torii của đền – ranh giới giữa thế giới thần linh và trần thế – có độ cao lên tới 12m, rộng 17.1m, cột trụ có đường kính 1.2m, nặng 13 tấn và được ghi nhận là cổng Torii bằng gỗ lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, đây lại không phải là chiếc cổng Torii nguyên bản của ngôi đền này.
Năm 1966, do bị sấm sét đánh trúng nên cổng Torii đã bị đổ. Ông Kawashima Yasushi, một thương nhân buôn gỗ ở Tokyo, với sự biết ơn đối với sự phù hộ của thần linh mà công việc buôn bán của ông được thuận lợi, nên đã đề xuất xây dựng lại cổng Torii như một lời cảm tạ. Ông kỳ công đi đến Đài Loan để tìm những cây bách lớn, trên 1500 năm tuổi ở trên núi Tanta có độ cao 3300m. Cuối cùng với sự giúp sức của người dân địa phương, cổng Torii của đền Meiji đã được khôi phục vào năm 1975 và từ đó trở thành cổng Torii gỗ lớn nhất Nhật Bản.
ĐỀN MEIJI JINGU THỜ PHỤNG AI?
Sau sự chấm dứt của thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, nếu Thiên Hoàng Minh Trị là người đã góp phần đặt nền móng cho một nước Nhật hiện đại, hòa nhập cùng các nền văn minh khác trên thế giới trong khi vẫn giữ vững được bản sắc của Nhật Bản, thì vợ ông là Hoàng Hậu Shoken cũng luôn kề vai sát cánh với chồng mình ở hậu phương. Bà luôn tận tậm thúc đẩy phúc lợi quốc gia, giáo dục phụ nữ và quan tâm đến các vấn đề thế giới. Bà đã quyên góp một quỹ mang tên mình gọi là Empress Shoken Fund cho Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế. Quỹ này đã và đang được sử dụng cho các hoạt động phúc lợi quốc tế đến tận ngày nay. Chính bởi những đóng góp mang ý nghĩa vô cùng to lớn cho đất nước Nhật Bản ấy, Thiên Hoàng Minh Trị và Hoàng Hậu Shoken được người dân sùng bái tôn làm các vị thần và đưa vào thờ phụng tại đền thờ Meiji Jingu.
Meiji Jingu luôn được coi là một trong những địa điểm tâm linh nhất ở Tokyo và thu hút người viếng thăm ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nơi đây nổi tiếng với những mong cầu về tình duyên, tài lộc, cầu thành công, làm ăn phát đạt… Hàng năm, có rất nhiều sự kiện diễn ra tại đền Meiji Jingu như:
- Từ ngày 5 – 7/1 là nghi lễ “Dohyoiri” để cúng tế các võ sĩ Sumo.
- Ngày 11/2 sẽ diễn ra nghi thức “Kigen matsuri” để chúc mừng ngày lập quốc. Đây là lễ hội lớn nhất ở Meiji Jingu với 14 chiếc kiệu, khoảng 5000 người tham gia diễu hành và hàng ngàn du khách tới thăm quan.
Bên cạnh rất nhiều sự kiện, đền thờ Meiji Jingu cũng là nơi yêu thích để tổ chức đám cưới của các cặp đôi. Cô dâu sẽ mặc trang phục Kimono gọi là “Shiromuku” và được che một chiếc ô màu đỏ thắm tạo nên một khung cảnh nên thơ vô cùng. Sau khi thực hiện lễ cưới, các cặp vợ chồng sẽ quay lại nơi đây để cầu nguyện cho con cái của mình khi chúng được 3, 5 và 7 tuổi.