Yugen

Tết Trung Thu Otsukimi có gì độc đáo?

Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền văn hóa Á Đông rất đa dạng và cũng chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Trung Hoa. Tuy nhiên tết Trung thu của người Nhật (gọi là Otsukimi – お月見) lại có rất nhiều sự khác biệt so với tết Trung thu của Trung Quốc hay Việt Nam. Cùng Yugen tìm hiểu những nét khác biệt này là gì nhé!
 
Nguồn gốc của Otsukimi
Theo tương truyền, tết Trung thu Otsukimi được du nhập từ Trung Quốc vào Nhật Bản vào thời kỳ Nara (710 – 794). Nhưng phải đến thời Heian (794 – 1185), lễ hội Otsukimi mới được biết đến và hầu hết chỉ có tầng lớp quý tộc mới tổ chức vui chơi trong ngày này. Mãi đến thời Edo (1603 – 1868) tết Trung thu mới thật sự lan tỏa ra khắp Nhật Bản. Trong tiếng Nhật “Tsukimi” có nghĩa là “ngắm trăng”, còn chữ “𝘖” thường được thêm vào phía trước để thể hiện sự trang trọng. Otsukimi được biết đến như một lễ hội truyền thống của Nhật Bản nơi người dân tụ tập ăn uống, ca hát nhảy múa và cầu nguyện cho mùa màng bội thu. Và cũng giống với Việt Nam, lễ hội Otsukimi còn là dịp để mọi người cùng nhau thưởng thức đêm trăng đẹp nhất trong năm.
 
Nét độc đáo ở đây là tại Nhật Bản, tết Trung thu không chỉ được tổ chức 1 lần mà tới 2 lần trong năm: Ngày thứ nhất là vào 15/8 âm lịch, là ngày mà trăng tròn và sáng nhất, được người Nhật yêu thích gọi là Zyuyoga; ngày thứ hai là vào 13/9 âm lịch, còn hay được gọi là ngày “trăng sau”.
 
Người Nhật quan niệm rằng nếu bạn đã ngắm trăng đêm 15 thì nhất định phải ngắm trăng vào đêm 13 nữa nếu không muốn gặp xui xẻo hay tai họa, điều kiêng kị này trong tiếng Nhật được gọi là Kata-tsukimi. Đây cũng là một nét khác biệt của Otsukimi Nhật Bản so với các nước khác.
 
Truyền thuyết Thỏ ngọc giã bột làm bánh mochi trên cung trăng
Vào mỗi dịp tết Trung thu, nếu như người Việt Nam có sự tích về chị Hằng, cây đa và chú Cuội, thì người dân Nhật Bản lại tin rằng có một chú thỏ đang sinh sống trên vương quốc của thần Mặt Trăng và giã bột làm bánh mochi mỗi khi tới đêm Otsukimi.
Chuyện kể rằng Thượng đế đã hóa thân thành một ông lão và tới xin thức ăn từ 3 con vật là khỉ, cáo và thỏ. Trong khi khỉ nhanh nhảu trèo lên cây để hái thật nhiều trái ngon, cáo đi trộm đồ cúng từ các ngôi mộ để biếu tặng ông lão, thì chỉ có mỗi thỏ là không có gì cả. Vì vậy thỏ đã lao mình vào đống lửa để hiến tặng chính bản thân mình làm thức ăn biếu ông lão. Cảm động trước tấm lòng của thỏ, Thượng đế đã hồi sinh cho thỏ rồi đưa nó lên cung trăng để tôn vinh trước tất cả mọi người.
Ngoài ra, sự tích về một chú thỏ đang ngồi ăn bánh dango cũng xuất hiện ở nhiều địa phương trên nước Nhật.
 
Tết Trung thu theo phong cách Nhật Bản
Loại bánh phổ biến nhất trong lễ hội Otsukimi là bánh Tsukimi Dango. Theo phong tục của người Nhật thì loại bánh này sẽ được bày biện vào ngày trung thu đầu tiên để dâng lên thần linh, cầu mong cho mọi người trong gia đình có được sức khỏe, trường thọ và mùa màng bội thu.
Vật trang trí phổ biến nhất trong lễ hội Otsukimi là cỏ lau Susuki – một trong bảy loại cỏ nổi tiếng của mùa thu Nhật Bản. Từ xưa, cỏ lau luôn được xem là hiện thân của thần Mặt Trăng, đem đến sự sung túc cho gia đình và giúp mùa màng bội thu. Ngoài ra, cũng có nơi cho rằng hình dáng chĩa nhọn của sợi cỏ lau còn có khả năng xua đuổi ma quỷ.
 

You cannot copy content of this page